Thứ Năm, 21 tháng 12, 2017

GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 12


                                             GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 12
Nhân kỉ niệm ngày nhà thành lập quân đội nhân dân Việt Nam 22/12
Trong kho tàng sách của dân tộc ta, có rất nhiều cuốn viết Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiều góc độ khác nhau: có cuốn khai thác về tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh, có cuốn thuật lại toàn bộ cuộc đời Bác, có cuốn lại đi vào nghiên cứu tư tưởng của Hồ Chí Minh…
Tuy nhiên, khó có thể thấy một cuốn sách nào mô tả đầy đủ về cuộc đời hoạt động của Bác như cuốn “Đường Bác Hồ đi cứu nước”. “Đường Bác Hồ đi cứu nước” là tác phẩm tuyển chọn biên soạn từ hàng trăm tác phẩm và bài báo viết về Bác Hồ. Giáo sư, Tiến sĩ Trình Quang Phú đã thực hiện công trình này từ nhiều năm và bằng cách trích, nối từ các tác phẩm theo thời gian, cuộc đời hoạt động của Bác để tạo thành một tác phẩm “Đường Bác Hồ đi cứu nước” với phần I là giai đoạn từ lúc sinh ra cho đến ngày Bác về Hà Nội đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nhà nước Cách mạng Việt Nam; phần II là giai đoạn Bác lãnh đạo đất nước kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi.
Trong phần I, tác giả lựa chọn những mốc chính trong cuộc đời của Bác để chia thành các mục nhỏ, giúp bạn đọc dễ theo dõi và cảm nhận được đầy đủ hành trình tìm đường cứu nước đầy gian truân của Bác. “Hành trang cứu nước của Bác” là lòng yêu nước nồng nàn, truyền thống ham học, phấn đấu kiên cường, sẵn sàng vượt khó vượt khổ vì sự nghiệp của nước, của dân… để rồi “Từ Sài Gòn, Bác ra đi tìm đường cứu nước” với hai bàn tay trắng và lòng quyết tâm: “Ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi…”, Bác đã tìm ra con đường giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi áp bức nô lệ đó là đi theo Cách mạng vô sản, khi đọc Luận cương của Lê-nin, Bác vui mừng đến phát khóc: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Từ đó, các hoạt động của Bác đều nhằm đấu tranh và bảo vệ quyền lợi của nước ta và các nước thuộc địa; tuyên truyền đường lối cách mạng đến các dân tộc trên toàn thế giới. Năm 1930, Người tiến hành thành lập Đảng Cộng sản và ra “Lời kêu gọi” toàn quốc đứng lên kháng chiến, đánh đuổi thực dân Pháp, giành độc lập cho dân tộc.
Sang phần II của cuốn sách “Theo Bác Hồ đi kháng chiến”, tác phẩm kể lại những khó khăn bộn về của ngày đầu mới thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chủ tịch đã vững vàng lãnh đạo đất nước vượt qua từng khó khăn để rồi tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ. Trong suốt cuộc kháng chiến đó, Bác luôn giữ vững tư tưởng “Thống nhất nước nhà là con đường sống của nhân dân ta”, dù “Chiến tranh có thể kéo dài 5 nǎm, 10 nǎm, 20 nǎm, hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố xí nghiệp có thể bị tàn phá. Song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do! Đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!".
Xuyên suốt “Đường Bác Hồ đi cứu nước” là những câu chuyện xoay quanh cuộc sống hàng ngày của Bác, những câu chuyện đó được kể lại từ khi Bác còn là một cậu học sinh thông minh, ham học đến khi trở thành lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Chuyện có khi được tác giả kể lại, có khi được kể lại bởi chính người trong cuộc; chính nhờ vậy khiến cho người đọc có cảm giác Bác thật gần gũi và giản gị. Các chuyện được trích từ nhiều nguồn khác nhau với nhiều nội dung khác nhau nhưng nhờ sự kỳ công cắt gọt, sắp xếp của GS-TS Trình Quang Phú đã giúp cho các câu chuyện liền một mạch, chuyện này gối lên chuyện kia, chuyện này làm sáng rõ chuyện kia, từ đó làm cho hình ảnh Hồ Chủ Tịch được tỏa sáng, thật gần gũi và cũng thật lớn lao.
Các câu chuyện trong cuốn sách không kể bằng số liệu, không liệt kê hành trình của bác mà hầu hết được lấy từ những sinh hoạt giản dị của Bác, chính vì vậy càng đọc ta càng thấy hứng thú, thu hút, thấy Bác thật giản dị nhưng cũng thật lớn lao, thật gần gũi, quen thuộc nhưng cũng thật vĩ đại. Có câu chuyện kể về Bác từ lúc Bác còn cắp sách đến trường dịch bài văn chữ Pháp: “Oh chat! Oh chat! Vous voulez manger le rat, montez sur la pontre! ” ra chữ Quốc ngữ, Bác đã dịch thành văn lục bát : “Con mèo, con mẻo, con meo Muốn bắt con chuột thì leo lên xà” Đến những câu chuyện kể về ngày đầu ra đi tìm đường cứu nước, chịu một cuộc sống cực khổ làm đủ mọi việc nhưng Bác vẫn kiên trì vừa làm vừa tìm đường cứu nước, đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc Việt Nam, dân tộc các nước thuộc địa. Và khó ai có thể cầm được nước mắt khi đọc câu chuyện Bác nhường áo rét cho một chiến sĩ bị ốm, những câu nói Bác nói với người chiến sĩ rất đỗi ngắn gọn, giản đơn nhưng trong đó ta thấy được tấm lòng sâu sắc của Bác: “Chú ốm ah, chú Thắng?... Sao trông người chú khác thế?... Chú không có áo rét à?... Chú mặc tạm cái này cho đỡ lạnh. Mùa đông cốt nhất phải giữ ngực cho ấm…”.
Nơi nào Bác đến, tác phẩm “Đường Bác Hồ đi cứu nước” đều thuật lại chi tiết tỷ mỉ, xen vào đó là những lời Bác căn dặn nhân dân, ở đền Hùng, Bác dặn dò chiến sĩ: “Ngày xưa, các vua Hùng đã có công dựng nước. Ngày nay, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước…” lời Bác dặn mộc mạc, nhẹ nhàng nhưng thấm thía lòng người, còn mãi giá trị đến ngày nay và chúng ta vẫn cần nhắc lại cho con cháu muôn đời sau. Lời văn cuốn sách rất nhẹ nhàng, giản dị, thuật lại chân thực cuộc đời Bác, không cầu kỳ, phô trương, không hoa mỹ. Giọng văn của “Đường Bác Hồ đi cứu nước” cũng giản dị và sâu sắc như chính con người của Bác vậy! Đơn giản nhưng thấm thía, càng đọc ta càng cảm phục Bác, cảm phục một nhân cách vĩ đại!
Khép lại những trang cuối cùng của tác phẩm “Đường Bác Hồ đi cứu nước”, ta thấy lắng đọng lại trong lòng mình rất nhiều điều, lắng đọng lại nhân cách cao đẹp của Bác, lắng đọng lại đạo đức cách mạng mà Bác và cả một thế hệ đã gây dựng lên, sẵn sang hi sinh vì Tổ quốc, vì độc lập, tự chủ của đất nước, vì cuộc sống ấm no của nhân dân. Mỗi cuốn sách như kim chỉ Nam cho mỗi con người, định hướng cho con người những điều hay lẽ phải, những điều cần tránh trong cuộc sống và “Đường Bác Hồ đi cứu nước” chính là kim chỉ Nam cho cách sống mà chúng ta và những thế thế sau này. Cuốn sách không chỉ có giá trị ở ngày nay mà mãi mãi về sau vẫn còn nguyên giá trị.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét